Theo báo cáo của UBND TP. Nha Trang, qua khảo sát, các rạn san hô ở khu vực Hòn Mun có dấu hiệu phục hồi tốt, độ phủ san hô ở một số điểm lên hơn 74%. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, để đánh giá về sự phục hồi các rạn san hô ở vịnh Nha Trang nói chung và khu vực Hòn Mun nói riêng cần khảo sát kỹ hơn… Trên thực tế, việc phục hồi san hô vẫn còn nhiều gian nan.
Có dấu hiệu phục hồi tốt
Từ thực trạng rạn san hô ở vịnh Nha Trang bị suy thoái (đặc biệt là ở Hòn Mun), với sự tham vấn của các nhà khoa học, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo TP. Nha Trang cho biển “nghỉ” để các rạn san hô tự phục hồi và ngăn chặn sức ép từ các hoạt động thiếu kiểm soát. Đây cũng là quỹ thời gian tốt nhất cho Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan của tỉnh rút kinh nghiệm, chuẩn bị phương án mới, củng cố đội công tác liên ngành trên vịnh, song song với việc triển khai các hoạt động phục hồi san hô và rạn san hô trong toàn vịnh, ưu tiên khu vực biển Hòn Mun, bao gồm cả việc lặn dọn rác thải nhựa và cành san hô vụn gãy trong các vùng rạn… Tất cả những chỉ đạo này đã được đưa vào Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang.
Nhân viên Ban Quản lý vịnh Nha Trang lặn vớt rác làm sạch môi trường biển ở vịnh Nha Trang.
Từ tháng 6-2022, khi BQL vịnh Nha Trang cho dừng các hoạt động lặn biển để tạo điều kiện cho các rạn san hô tự phục hồi, cứ 3 tháng một lần, nhóm thợ lặn của BQL lại đi lặn biển thu thập hình ảnh, đo đạc độ phát triển của san hô để đánh giá dấu hiệu phục hồi. Mở cho chúng tôi xem những thước phim quay lại san hô ở Hòn Mun, anh Nguyễn Đức Minh Tân (thợ lặn BQL vịnh Nha Trang) chia sẻ: “San hô ở Hòn Mun có độ sâu chỉ khoảng 10m so với tầng mặt nước nên việc lặn để khảo sát, đánh giá cũng thuận lợi. Sau khi lặn xuống đáy, chúng tôi bắt đầu kéo thước dây theo chiều dài mặt cắt khu vực có san hô để đo độ phủ. Thước kéo mỗi lần 100m, cứ trong phạm vi 20m, chúng tôi lại ghi chép về các loài san hô. Lặn và đo đến đâu, thợ lặn sẽ ghi lại để có độ chính xác cao. Cùng với việc tầm soát san hô, các thợ lặn còn thực hiện nhiệm vụ đánh giá hợp phần đáy, độ đa dạng sinh học, cá và các loài động vật không xương sống ở đáy Hòn Mun”. Thợ lặn Phạm Thủy Phong Tỉnh cho biết, không chỉ lặn đánh giá hệ sinh thái san hô, cứ 2 tuần một lần, các anh đến vùng biển Hòn Mun để vớt rác và xử lý sao biển gai (loài thiên địch của san hô).
Theo báo cáo của BQL vịnh Nha Trang, sau hơn 1 năm được cho “nghỉ để dưỡng sức”, hệ sinh thái rạn san hô ở Hòn Mun đã có sự phục hồi đáng kể. Ông Đàm Hải Vân – Phó Trưởng BQL vịnh Nha Trang cho biết, theo kết quả tầm soát đánh giá trong tháng 7-2023, tại khu vực phía bắc và tây nam Hòn Mun (khu vực ít ảnh hưởng gió bão, sóng ngầm) có độ phủ san hô sống (gồm cả san hô cứng và san hô mềm) khoảng 74,5%, nằm trong thang bậc xếp hạng tốt (51 – 75%); khu vực phía tây bắc và tây Hòn Mun (do ảnh hưởng của cơn bão số 9, tháng 12-2021) có dấu hiệu phục hồi tại các giá thể san hô bị suy thoái trước đây. Ngoài Hòn Mun, khu vực biển Hòn Chồng và khu vực biển đối diện đường Đặng Tất, san hô cũng đang trong quá trình phục hồi. Trong đó, khu vực biển đối diện đường Đặng Tất có diện tích san hô khoảng 7,5ha và có độ đa dạng sinh học cao hơn khu vực biển Hòn Chồng. Khu vực này san hô đang phát triển tốt, có độ phủ 50 – 60%, bao gồm san hô cứng tạo rạn có kích thước lớn và nhiều loài san hô mềm, thảm cỏ biển, rong biển nên thu hút nhiều loài thủy sản sinh sống, vào thời điểm khảo sát có rất nhiều đàn cá con trú ngụ.
Cần có sự khảo sát, đánh giá của các nhà khoa học
Dù đã có những dấu hiệu phục hồi song Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn – nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học cho rằng, cần phải có những đợt khảo sát kỹ lưỡng hơn để đánh giá về sự phục hồi của các rạn san hô ở vịnh Nha Trang. “Qua khảo sát mới đây, tôi nhận thấy các vùng phía nam và một số điểm ở tây bắc Hòn Mun là các rạn san hô ít bị tác động, ít bị hủy hoại chứ không phải là rạn san hô mới được phục hồi, bởi thực tế đây là giống san hô cành Porites chứ không phải san hô Acropora. Một số điểm ở đông bắc Hòn Mun như bãi Mama Hạnh, rạn san hô có dấu hiệu phục hồi nhưng lại theo hướng không có lợi, bởi loài phát triển mạnh ở đây là thủy tức san hô chứ không phải san hô cứng tạo rạn tốt” – Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn cho biết. Tương tự, Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền – Phó Viện trưởng Viện Hải dương học cho rằng, việc BQL vịnh Nha Trang đánh giá các rạn san hô ở Hòn Mun phục hồi tốt là có phần “lạc quan”. Để đánh giá về sự phục hồi các rạn san hô ở vịnh Nha Trang nói chung và khu vực Hòn Mun nói riêng cần một đợt khảo sát với sự tham gia của các nhà khoa học có chuyên môn.
Theo các nhà khoa học có thâm niên nghiên cứu về hải dương học, để phục hồi rạn san hô có 2 cách là tạo điều kiện phục hồi tự nhiên và phục hồi nhân tạo bằng cách di giống san hô để trồng. Trong đó, phục hồi tự nhiên là tốt nhất nhưng trước khi tiến hành phải kiểm tra, đánh giá xem nền đáy tự nhiên còn tốt không, còn nguồn giống tại chỗ hay không? Còn việc trồng phục hồi rạn san hô nhân tạo rất tốn kém và phụ thuộc nhiều vào nguồn giống sẵn có nên khó có thể tiến hành trên diện rộng. Theo ông Bền, Viện Hải dương học đã thử nghiệm phục hồi san hô ở vịnh Nha Trang trong những năm 2004, 2013, 2015, 2016 và 2018. Qua đó, xác định 9 loài san hô cứng có khả năng phục hồi ở vịnh Nha Trang với tỷ lệ sống hơn 60% và tốc độ tăng trưởng trung bình 0,4-6,5mm/tháng. Kết quả này đã mang lại những hiệu quả nhất định trong việc phục hồi, tăng độ phủ san hô. Tuy nhiên, tỷ lệ sống của san hô phục hồi ở vịnh Nha Trang không bằng với các điểm phục hồi vùng biển Lý Sơn, Bình Định, Côn Đảo. Khó khăn lớn nhất trong việc phục hồi san hô ở vịnh NhaTrang hiện nay là giống Acropora còn quá ít.
Theo Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong Kế hoạch phục hồi tổng thể vịnh Nha Trang đó là việc phục hồi nhân tạo các rạn san hô vẫn chưa được tiến hành. “Tôi nghe nói rất nhiều về việc phục hồi rạn san hô nhân tạo nhưng đến nay, chưa thấy báo cáo cụ thể. Theo tôi biết, hiện nay, có một số doanh nghiệp tư nhân đang phục hồi san hô nhưng triển khai không có cơ sở khoa học, thậm chí đang làm sai khi đào san hô sống từ nơi khác về trồng. Thời gian đầu san hô có thể nhìn rất đẹp nhưng lâu dần không tương thích với môi trường thì sẽ chết dần. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lại đem thủy tức san hô về trồng chứ không phải san hô”, ông Tuấn nói. Hiện nay, giống san hô Acropora còn rất ít, nếu không cẩn trọng có thể làm mất luôn nguồn giống. Giải pháp tốt nhất là làm vườn ươm giống, sau đó đem đến nơi cần phục hồi.
Chung tay bảo vệ, phục hồi đa dạng sinh học
Vịnh Nha Trang có những giá trị vượt trội ở cấp quốc gia và quốc tế, lại nằm trong khu vực biển có những đặc tính khác biệt, thuận lợi cho việc bảo tồn và phát triển. Vì thế, vịnh nhận được các danh hiệu khác nhau ở cấp quốc gia và quốc tế nên từ Khu bảo tồn biển Hòn Mun – một trong ba khu bảo tồn biển trình diễn cấp quốc tế đã được mở rộng ra toàn vịnh Nha Trang với giá trị là vịnh đẹp toàn cầu. Nhiệm vụ quản lý, bảo tồn sự đa dạng sinh học của vịnh Nha Trang quá lớn trong khi phương tiện, nhân lực và quyền hạn của BQL vịnh Nha Trang còn hạn chế nên đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công tác bảo tồn. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, hạn chế lớn nhất trong công tác bảo tồn vịnh Nha Trang là thiếu cơ chế phối hợp liên ngành, thiếu huy động nguồn lực từ sự tham gia của người dân và doanh nghiệp – những người hưởng dụng các giá trị của vịnh đẹp mang lại. Chính vì thế, Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đã dành riêng một nhiệm vụ, giải pháp tăng cường năng lực quản lý nhà nước cho BQL vịnh Nha Trang đặt trong khuôn khổ phát triển toàn diện (Comprehensive Development Framework – CDF) TP. Nha Trang đến năm 2030 – một đô thị sông biển đáng sống, đẳng cấp, bền vững, trong đó vịnh Nha Trang là mảng không gian đô thị biển xanh, không thể tách rời. Đặc biệt, Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang cũng mạnh dạn đưa vào nhiệm vụ thử nghiệm xây dựng một khu vực sinh thái biển quốc tế theo cơ chế hợp tác công tư. Nếu thành công, mô hình này cũng giảm thiểu khó khăn cho BQL và có thể đóng góp vào thể chế hóa mô hình quản trị khu bảo tồn biển trên phạm vi toàn quốc.
Liên quan đến vấn đề hợp tác công tư trong bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Nha Trang, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn cho biết, trước đây, Viện Hải dương học đã có đề tài khoa học về “Doanh nghiệp tham gia phục hồi rạn san hô giữ và khai thác du lịch”, đây chính là phương thức quản trị công tư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của vịnh Nha Trang. “BQL vịnh Nha Trang phải có trách nhiệm bảo vệ vùng lõi Hòn Mun. Nhiệm vụ này không thể giao cho doanh nghiệp được. Nhưng còn những vùng còn lại trong vịnh Nha Trang như vùng biển quanh các đảo Trí Nguyên, Hòn Tằm, Hòn Tre… thì nên giao doanh nghiệp tự phục hồi, quản lý và khai thác du lịch. Những doanh nghiệp làm du lịch trên biển có quyền lợi thiết thực tham gia vào bảo vệ, phục hồi thì mới giữ được hệ sinh thái. Phải làm theo kiểu này vì Nhà nước không đủ lực để giữ hết được. Do đó, chúng tôi đã đề xuất UBND tỉnh nghiên cứu triển khai thí điểm”, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn chia sẻ.
Cần quản lý chặt hoạt động lặn biển
Theo báo cáo của BQL vịnh Nha Trang, trên địa bàn thành phố hiện có 28 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lặn biển bằng bình hơi và “đi bộ dưới biển” bằng mũ lặn. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, BQL vịnh Nha Trang đề nghị cho phép mở thêm một số điểm lặn mới, nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng, cần phải cân nhắc điều này. Không chỉ vậy, để việc phục hồi và bảo tồn các rạn san hô bền vững cần phải quản lý chặt hơn nữa dịch vụ lặn biển theo hướng hạn chế số lượng khách lặn và chỉ cho phép khách có bằng lặn chuyên nghiệp được cấp bởi Hiệp hội Hướng dẫn viên lặn biển chuyên nghiệp thế giới (PADI) hoặc Hiệp hội Lặn biển quốc tế (SSI) mới được phép lặn biển ngắm san hô thay vì cho phép đại trà như hiện nay.
Anh Thái Khang – một người có kinh nghiệm lặn biển cho biết, nhiều nước như: Australia, Indonesia, Malaysia… đều quản lý rất chặt hoạt động lặn biển. Đơn cử năm 2004, hòn đảo Sipadan của Malaysia được công nhận là công viên đại dương và trở thành khu vực được bảo vệ cẩn thận. Từ năm 2005, du khách muốn lặn biển tại Sipadan phải đặt chỗ trước bởi mỗi ngày chính quyền tại hòn đảo chỉ cho 120 người xuống nước với mục đích bảo tồn rạn san hô ở đây…
XUÂN THÀNH – THÁI THỊNH
GÓP Ý
X