Bảo tồn, phát huy bền vững giá trị vịnh Nha Trang: Kỳ cuối: Sẽ có những hành động quyết liệt

Tháng 11-2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Kế hoạch phục hồi và phát huy giá trị bền vững vịnh Nha Trang (gọi tắt là Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang). Phóng viên Báo Khánh Hòa đã trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, thành viên của Tổ tư vấn triển khai kế hoạch về một số vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn bền vững đa dạng sinh học và phát huy các giá trị đặc biệt của vịnh Nha Trang.

Thể hiện cam kết, quyết tâm chính trị của tỉnh

– Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, ông đánh giá như thế nào về việc triển khai Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang trong thời gian qua?

– Hệ sinh thái biển ở vịnh Nha Trang bị suy thoái, một số khu vực bị suy thoái nghiêm trọng là điều rất đáng tiếc. Rất mừng là Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có những động thái quyết liệt để hướng đến bảo tồn đa dạng sinh học của vịnh. Việc UBND tỉnh nhanh chóng phê duyệt Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang là cam kết chính trị của lãnh đạo tỉnh trong cuộc chiến giành lại “sự sống vốn có” của vịnh đẹp toàn cầu. Đây là một cách làm tiên phong, là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc và kịp thời tiếp thu những ý kiến công luận đúng đắn, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách của Quốc hội, Chính phủ về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 theo hướng xanh và bền vững.

Chính vì thế, ngay sau khi được phê duyệt, Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ không chỉ của các ban, ngành và nhân dân trong tỉnh, mà còn của các doanh nghiệp, nhà tài trợ trong nước và quốc tế. Các bên liên quan và các nhà tài trợ đều sẵn sàng đồng hành, chung tay thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo lộ trình đề ra trong kế hoạch để “chữa lành những vết thương” cho hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang.

Đến nay, thời gian thực hiện chưa đầy 1 năm nhưng tất cả 16 nhiệm vụ, giải pháp đề xuất trong kế hoạch đều được triển khai thực hiện theo lộ trình và mức độ ưu tiên: Việc cần làm ngay, đến năm 2025 và đến năm 2030. Khâu tổ chức thực hiện đã được chú ý, nhất là phối hợp “hành động tập thể” theo từng mục tiêu cụ thể; lồng ghép nhiệm vụ, giải pháp vào kế hoạch của các ban, ngành, địa phương liên quan; huy động nguồn lực và sự tham gia của các doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức quốc tế và một số bộ, ngành Trung ương, các viện, trường liên quan đóng trên địa bàn tỉnh và hệ thống truyền thông… Tất cả các hoạt động đều hướng tới mục tiêu bao trùm là phục hồi được vịnh Nha Trang, bảo vệ được các giá trị toàn cầu và quốc gia của vịnh này theo các cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, kế hoạch còn chú trọng duy trì nguồn và cải thiện sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân cư sống trong và lân cận vịnh Nha Trang. Đồng thời, tạo cơ chế đối thoại giữa cộng đồng với khối tư nhân và cơ quan nhà nước; phối hợp liên ngành và quản lý tổng hợp vịnh Nha Trang, hướng tới xây dựng “thành phố Khánh Hòa” trực thuộc Trung ương vào năm 2030, trong đó kinh tế biển là then chốt.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam.

– Trong báo cáo mới đây, Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang đánh giá các rạn san hô ở Hòn Mun có dấu hiệu phục hồi tốt. Trên cơ sở đó, BQL đã đề xuất cho mở lại dịch vụ lặn biển ở khu vực tây nam Hòn Mun, cũng như mở thêm một số điểm lặn mới. Đề xuất này có vội vàng không, thưa ông?

– Kiến nghị mở lại dịch vụ lặn biển sau một thời gian cho “biển nghỉ”, nhất là Khánh Hòa đang quyết tâm phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19 là nguyện vọng không sai. Tuy nhiên, việc mở lại và mở thêm điểm lặn mới hay không chắc chắn cơ quan có thẩm quyền sẽ thẩm định kỹ càng theo nguyên tắc: Phải có cam kết, khả năng tuân thủ nghiêm, có năng lực kiểm soát tốt và quản lý hiệu quả.

Theo đó, cần làm rõ trách nhiệm giải trình và minh bạch thông tin trong hồ sơ, báo cáo do cơ quan đề xuất chuẩn bị và quy trình ra quyết định. Ví dụ: Các địa điểm có đáp ứng được tiêu chí của một địa điểm lặn biển không; tác động môi trường có thể của hoạt động lặn du lịch; căn cứ pháp lý (quy chế, nội quy… hoạt động lặn và chế tài các vi phạm); đối tượng lặn và đơn giá (không nên khuyến khích lặn đại trà, giá rẻ gây nguy hại cho san hô); mật độ người lặn trong một đơn vị không gian, thời gian lặn; năng lực, biện pháp quản lý và kiểm soát trên hiện trường của tổ chức đăng ký dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước; quản lý và giải pháp xử lý rủi ro… Khi đã minh bạch hóa quy trình và thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, việc mở lại hay không phụ thuộc vào kết quả thẩm định.

Hướng đến bảo tồn bền vững

– Theo ông, chính quyền địa phương cần làm gì để có thể bảo tồn đa dạng sinh học của vịnh Nha Trang nhưng vẫn đảm bảo sinh kế của người dân sinh sống trong khu vực cũng như việc khai thác du lịch ở vịnh biển nổi tiếng này?

– Như đã nói, Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang thuộc loại kế hoạch dài hạn, khoảng 10 năm với 16 nhóm nhiệm vụ và giải pháp được thực hiện theo lộ trình. Trong đó, có những hoạt động và giải pháp phải làm ngay, không chậm trễ; có việc làm nhưng kết quả phải đến năm 2025 hoặc 2030 mới thấy, thậm chí vượt ra ngoài mốc 2030. Bên cạnh vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, vấn đề sinh kế bền vững của người dân cũng là một mục tiêu mà kế hoạch hướng đến. Quả thật, đây là một việc lớn và khó cả về mặt quản lý, quản trị và kỹ thuật nhưng là việc cấp thiết, cần phải làm, nhất là trong bối cảnh tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi trong một lần đi khảo sát tại tổ dân phố Bích Đầm, ảnh VK

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi (thứ sáu từ phải sang) trong lần đi khảo sát tại Tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang. Ảnh: VK

Không thể tuyệt đối cấm các hoạt động phát triển nói chung, nuôi trồng thủy sản và du lịch trên vịnh nói riêng dù đang có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường biển và đa dạng sinh học của vịnh như chúng ta thấy. Thay vào đó, chúng ta cần kiểm soát tốt, bài bản hơn. Trong thực tế, các giá trị bảo tồn đa dạng sinh học trong vịnh cần được sử dụng bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy được các nguồn vốn sinh thái, vốn văn hóa, các nguồn lực từ cộng đồng và doanh nghiệp – những người sống, sử dụng các lợi ích từ việc bảo tồn và phục hồi vịnh đẹp mang lại. Cho nên, để vịnh Nha Trang được bảo tồn bền vững, ngoài nỗ lực phối hợp liên ngành phải có sự chung tay, đồng hành của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Chịu tác động trực tiếp của một đô thị lớn nên vịnh Nha Trang phải được quản lý tổng hợp theo cách tiếp cận liên vùng, liên cơ quan, liên vấn đề để quản lý tại nguồn. Ngoài ra, theo tinh thần của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và các yêu cầu, nhiệm vụ của Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang, cần khẩn trương phân vùng chức năng để quản lý hiệu quả vịnh này. Theo đó, cần bố trí và phát triển các mô hình du lịch, nuôi trồng thủy sản có kiểm soát, công nghệ cao, thân thiện môi trường ở vùng đệm phù hợp với quy định của pháp luật, gắn với sinh kế bền vững của cộng đồng cư dân địa phương, trong đó có lặn biển như đã nói trên.

– Việc bảo tồn và phát huy vịnh Nha Trang là nhiệm vụ rất lớn, trong khi BQL vịnh Nha Trang lại hạn chế về nhân lực, phương tiện và quyền hạn. Vậy có cần phải giao thêm quyền hạn cho BQL vịnh Nha Trang hay không, thưa ông?

– Từ năm 2010, cả nước đã quy hoạch được hệ thống 16 khu bảo tồn biển (KBTB) nhưng đến nay chỉ có 11 KBTB có BQL và chưa có quy định chung rõ ràng về mô hình thể chế quản lý các KBTB này. Hiệu quả và hiệu lực quản lý các KBTB còn ở mức thấp, thậm chí 5/16 KBTB vẫn chưa được quản lý, vẫn chỉ có danh nghĩa trên giấy. Các đánh giá gần đây đối với cả hệ thống KBTB cho thấy, tất cả đều bị hạn chế về nhân lực, tài lực, phương tiện và quyền hạn chứ không riêng gì BQL vịnh Nha Trang.

Nhưng có lẽ, hạn chế lớn nhất là thiếu cơ chế phối hợp liên ngành, thiếu huy động nguồn lực từ sự tham gia của người dân và doanh nghiệp – những người hưởng dụng các giá trị của vịnh mang lại. Chính vì thế, Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang cũng đã dành riêng một nhiệm vụ, giải pháp là tăng cường năng lực quản lý nhà nước cho BQL vịnh Nha Trang đặt trong khuôn khổ phát triển toàn diện TP. Nha Trang đến năm 2030 – đô thị sông biển đáng sống, đẳng cấp, bền vững, trong đó vịnh Nha Trang là mảng không gian đô thị biển xanh, không thể tách rời. Đặc biệt, kế hoạch này cũng mạnh dạn đưa vào nhiệm vụ thử nghiệm xây dựng một khu vực sinh thái biển quốc tế theo cơ chế hợp tác công tư. Nếu thành công, mô hình này cũng giảm thiểu khó khăn cho BQL và có thể đóng góp vào thể chế hóa mô hình quản trị KBTB trên phạm vi toàn quốc.

– Thử nghiệm xây dựng một khu vực sinh thái biển quốc tế theo cơ chế hợp tác công tư là đề xuất mới và gần như chưa có quy định của pháp luật liên quan đến mô hình này. Khánh Hòa cần phải làm gì, các bộ, ngành Trung ương cần hỗ trợ gì cho tỉnh để có thể triển khai được đề xuất này, thưa ông?

– Trong Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang đã xác định nhiệm vụ, giải pháp số 14 về thiết lập và thử nghiệm phương thức quản trị công tư “Khu sinh thái biển quốc tế” trong vịnh. Đây là một đề xuất mới, chưa được quy định cụ thể trong Quy chế quản lý KBTB và Luật Thủy sản năm 2017. Làm cái mới, có tính tiên phong bao giờ cũng khó. Tuy nhiên, trong bối cảnh công tác quản lý các KBTB ở nước ta chưa hiệu quả, thiếu bền vững thì việc Khánh Hòa thử nghiệm một phương thức quản trị mới như thế cũng là cơ hội để huy động nguồn lực xã hội. Nếu thành công thì từ thực tiễn này sẽ nhân rộng, làm thay đổi nhận thức, tư duy và cơ chế quản trị không chỉ cho vịnh Nha Trang, mà còn cho các KBTB ở nước ta. Đặc biệt, khi Khánh Hòa đang triển khai Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và Kế hoạch hành động của Chính phủ, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng thì những hành động cụ thể như vậy được khuyến khích. Từ góc nhìn này, Khánh Hòa đang có điều kiện để “biến khó khăn, thách thức thành thuận lợi và cơ hội”. Tôi đã có dịp tham vấn một số bộ, ngành liên quan về vấn đề này và đều nhận được sự hưởng ứng.

Theo tôi, để triển khai nhiệm vụ này, cần phối hợp với các nhiệm vụ khác, nhất là phải đẩy nhanh phân vùng chức năng để quản lý hiệu quả vịnh Nha Trang (nhiệm vụ 4 trong kế hoạch). Trong phương án phân vùng sẽ có Khu sinh thái biển quốc tế. Cục Biển và Hải đảo Việt Nam với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang chuẩn bị giúp tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ 4 nói trên. Bên cạnh đó, phải xây dựng Đề án thiết lập và quản lý Khu sinh thái biển quốc tế vịnh Nha Trang để xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền. Đề án này có thể được chuẩn bị với sự tham gia, phối hợp ngay từ đầu của nhà tài trợ tiềm năng. Tuy hợp tác công tư ở nước ta không mới nhưng mới đối với lĩnh vực bảo tồn biển. Cho nên, tham khảo và học hỏi kinh nghiệm quốc tế cần được khuyến khích.

– Việc phục hồi vịnh Nha Trang có ý nghĩa như thế nào đối với tỉnh Khánh Hòa trong việc thực hiện Nghị quyết số 09, thưa ông?

– Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang được xem là một trong những hành động thiết thực, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 09 và khát vọng xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế. Trong đó, Nha Trang vẫn sẽ là thành phố “hạt nhân và đầu não”; trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế; nơi tổ chức các sự kiện lớn của Việt Nam và quốc tế. Tiềm năng đa dạng và lợi thế vượt trội của vịnh Nha Trang là tiền đề phát triển bền vững kinh tế biển của TP. Nha Trang nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung. Chính vì thế, phục hồi vịnh Nha Trang có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Khánh Hòa trong việc thực hiện Nghị quyết số 09 và là trách nhiệm chính trị của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

 – Xin cảm ơn ông!

XUÂN THÀNH – THÁI THỊNH (Thực hiện)

LIÊN KẾT ĐỐI TÁC

TIN MỚI
Back To Top

GÓP Ý

X