San hô dưới biển dần hồi sinh

Sau thời gian tỉnh Khánh Hòa quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc, hệ sinh thái và các rạn san hô Khu Bảo tồn biển Hòn Mun trong vịnh Nha Trang đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ; một số loài cá bắt đầu đến sinh sống, trú ngụ…

Triển khai nhiều giải pháp

Còn nhớ, những ngày đầu tháng 8, chúng tôi theo đoàn giám sát của UBMTTQ Việt Nam tỉnh đến Khu Bảo tồn biển Hòn Mun để kiểm tra dấu hiệu phục hồi của rạn san hô. Tại đây, qua lớp kính trong suốt của đáy tàu, những đàn cá bơi lội tung tăng dưới làn nước, từng rạn san hô đủ màu sắc hiện ra, tạo thành một miền san hô dưới đáy biển xanh. Tuy chưa trở về hiện trạng như trước đây nhưng đã thắp lên niềm hy vọng về sự phục hồi đa dạng sinh học ở vịnh Nha Trang… Đoàn giám sát cũng đi thực tế khu vực trồng rừng ngập mặn ở Đầm Bấy; khảo sát vùng biển đang giăng phao cấm để thực hiện thí nghiệm đề án cấy san hô trên giá thể nhân tạo tại Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga. Theo các nhà khoa học đi cùng đoàn giám sát, sau hơn 1 năm tỉnh tạm dừng hoạt động bơi, lặn biển và một số hoạt động du lịch tác động đến hệ sinh thái biển (từ ngày 27-6-2022), san hô ở Khu Bảo tồn biển Hòn Mun đang có dấu hiệu phục hồi tốt.

Nhóm thợ lặn Ban Quản lý vịnh Nha Trang kiểm tra sự phục hồi san hô (Ảnh T. Thịnh)

Nhóm thợ lặn của Ban Quản lý vịnh Nha Trang kiểm tra sự phục hồi san hô. Ảnh: T. Thịnh

Cùng với đó, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh còn tổ chức hội thảo khoa học đề xuất giải pháp vận động cộng đồng ứng xử thân thiện với môi trường để phục hồi và bảo vệ rạn san hô trong vịnh Nha Trang. Tại hội thảo, nhiều giải pháp thiết thực đã được đề xuất như: Tuyên truyền và thực thi pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng khai thác sinh vật biển trong vùng lõi khu bảo tồn, giảm thiểu tiến tới chấm dứt lặn vòi khí khai thác thủy sản; hợp tác cùng doanh nghiệp (DN) thiết lập rạn nhân tạo kết hợp phục hồi san hô ở vùng biển lân cận Bích Đầm, quản lý, thu gom nước thải, rác thải nhựa từ các làng ven biển và trên đảo…

Ông Nguyễn Hòa – Tổ trưởng Tổ dân phố Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) cho biết, từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, người dân trên đảo Bích Đầm cũng dần hiểu được rạn san hô là mái nhà đại dương cho các loài sinh vật biển trú ngụ, cần bảo tồn. Vì vậy, người dân đã nâng cao ý thức, không đánh bắt ven khu vực bảo tồn Hòn Mun; không vứt rác thải xuống biển; tham gia trồng cây đước phục hồi rừng ngập mặn tại đảo Đầm Bấy…

Bên cạnh công tác tuyên truyền, Ban Quản lý vịnh Nha Trang cùng với các đơn vị liên quan cũng tăng cường tuần tra, qua đó đã nhắc nhở 31 trường hợp người dân lội xuống vùng rạn san hô ở khu vực biển Hòn Chồng làm tổn hại đến việc phục hồi; thu giữ các phương tiện, vật dụng của 5 trường hợp bắt ốc, cá trong vùng rạn san hô, thả lại về môi trường biển. Đồng thời, phối hợp với Bến du thuyền và vùng mặt nước Công ty Cổ phần Vạn San Đảo tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Hòn Mun, vịnh Nha Trang với 12.000 con giống; trồng 2ha cây đước phục hồi rừng ngập mặn tại đảo Đầm Bấy và cửa sông Tắc…

Độ phủ san hô sống chiếm khoảng 74,5%

Theo báo cáo của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, qua giám sát, ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, UBND TP. Nha Trang đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các giải pháp hướng đến phục hồi rạn san hô ở Hòn Mun cũng như sự đa dạng sinh học của vịnh Nha Trang. Đặc biệt, thực hiện việc tạm dừng hoạt động bơi, lặn biển, tàu và thúng đáy kính trong vùng nước đảo Hòn Mun từ ngày 27-6-2022 đến nay; di dời đầm đăng Lam Dự của Hợp tác xã Đoàn Kết ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun và lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án “Lắp đặt giàn phao phân vùng, bảng hiệu tuyên truyền và camera giám sát, bảo vệ rạn san hô khu vực biển Hòn Mun và Hòn Chồng, Đặng Tất”. UBND các xã, phường ven biển tăng cường tuần tra kiểm soát, cương quyết không để phát sinh lồng bè nuôi trồng thủy sản mới ngoài các khu vực được phép nuôi; rà soát, tổ chức kiểm đếm số lượng lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Nha Trang tại địa bàn quản lý.

Ban Quản lý vịnh Nha Trang cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hệ sinh thái rạn san hô, bắt sao biển gai và nhặt rác đáy biển Hòn Mun. Kết quả khảo sát cuối năm 2022 và tháng 3-2023 cho thấy, phía bắc và tây nam Hòn Mun có độ phủ san hô sống (gồm cả san hô cứng và san hô mềm) chiếm khoảng 74,5%; tỷ lệ này nằm ở khoảng giữa trong thang bậc xếp hạng tốt (từ 51 – 75%). Tại khu vực phía tây bắc và phía tây Hòn Mun (do ảnh hưởng của cơn bão số 9 tháng 12-2021 san hô bị gãy đổ), san hô đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là giống Acropora chiếm ưu thế và các loài san hô mềm.

Để thực hiện hiệu quả hơn nữa Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng, UBND TP. Nha Trang triển khai thực hiện 16 nhiệm vụ, giải pháp phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 theo kế hoạch. Mặt khác, mở rộng xã hội hóa trong việc phục hồi san hô tại khu vực Hòn Mun và vịnh Nha Trang; giao mặt nước biển trong vịnh Nha Trang cho các tổ chức, cá nhân thực hiện trồng san hô nhân tạo ở những khu vực bị suy thoái; triển khai chương trình trồng cây đước phục hồi rừng ngập mặn; ngăn chặn tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát không đúng vị trí quy hoạch, đánh bắt thủy sản bằng giã cào, thuốc nổ, xung điện, chất độc… UBND TP. Nha Trang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, DN và du khách gắn với thực hiện “Chương trình truyền thông về cách ứng xử thân thiện với môi trường vịnh Nha Trang”; chú trọng công tác kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải trực tiếp gây ô nhiễm, thu gom, xử lý rác thải gắn với triển khai chương trình “Vịnh Nha Trang không rác thải nhựa” trong khu bảo tồn biển; tăng cường lực lượng quản lý trên vịnh Nha Trang…

PGS.TS VÕ SĨ TUẤN – nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học: Cộng đồng DN phải đóng vai trò quan trọng nhất trong bảo tồn và phục hồi rạn san hô ở vịnh Nha Trang. Đặc biệt, tỉnh cần tạo cơ chế quản lý hệ sinh thái rạn san hô trong vùng nước thuộc các DN quản lý nhằm phục hồi và tái tạo rạn san hô, nguồn lợi thủy sản phục vụ phát triển du lịch sinh thái; vận động và hỗ trợ DN đầu tư cho các hoạt động thiết lập rạn nhân tạo, phục hồi san hô, tái tạo sinh vật rạn. Trước mắt, cần tuyên truyền và thực thi pháp luật nhằm giảm thiểu rửa trôi trầm tích từ các công trình xây dựng; chấm dứt lấn biển chiếm rạn san hô và đổ bùn thải xuống vịnh; chấm dứt đào và di chuyển san hô vào điểm du lịch bơi lặn, nhất là ở khu vực Hòn Miễu và Hòn Tằm; chấm dứt khai thác sinh vật biển tại các điểm du lịch và trong vùng nước do DN quản lý.

CẨM VÂN

LIÊN KẾT ĐỐI TÁC

TIN MỚI
Back To Top

GÓP Ý

X