Công tác bảo tồn – môi trường

Trong năm 2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, một số văn chính đã được ban hành kịp thời để phục vụ công tác quản lý. Liên tục cập nhật và áp dụng các chính sách, pháp luật, quy chuẩn về bảo vệ môi trường kịp thời, đúng quy định. Các văn bản do UBND tỉnh ban hành trong năm 2018 như Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 09/01/2018 về việc phê duyệt kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2018 – 2020; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 22/01/2018 về việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn; Quyết định số 1872/QĐ-UBND ngày 29/6/2018 về việc ban hành Kế hoạch kiểm soát, bảo vệ tài nguyên du lịch gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tác động đến phát sinh du lịch tỉnh; Quyết định số 3080/QĐ-UBND ngày 16/10/2018 về phê duyệt Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Quyết định số 3760/QĐ-UBND ngày 06/12/2018 về giá dịch vụ hoạt động quan trắc và phân tích môi trường được đặt hàng, giao kế hoạch, sử dụng ngân sách nhà nước do Trung tâm Quan trắc tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa cung cấp dịch vụ và Kế hoạch số 9096/KH-UBND ngày 06/9/2018 về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhìn chung, chất lượng môi trường (không khí, nước mặt, nước biển) năm 2018 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều nằm trong quy chuẩn cho phép. Trong năm không xảy ra các vụ việc môi trường nổi cộm, các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao như KCN Suối Dầu, Công ty cổ phần đường Việt Nam, Nhà máy xử lý chất thải nguy hại…đã được giám sát chặt chẽ. Đã kịp thời chủ động phòng ngừa, cảnh báo về chất lượng môi trường nước đối với vùng nuôi thủy sản khu vực Vịnh Vân Phong về hiện tượng tảo nở hoa, để người dân chủ động ứng phó.

Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và chính quyền địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý khiếu nại tố cáo liên quan đến môi trường đã có những chuyển biến tích cực. Công tác xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực môi trường đã được quan tâm, một số dự án đã được triển khai như: Nhà máy xử lý chất thải nguy hại, cổ phần hóa các công ty dịch vụ công ích trong việc thu gom, xử lý rác thải đô thị…

Công tác đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), xử lý chất thải tại các cơ sở sản xuất, du lịch trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng được quan tâm thực hiện. Các cơ sở thuộc trường hợp phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động cũng đã tích cực triển khai thực hiện theo đúng quy định. Công tác xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải tuy vẫn còn ít nhưng đã được quan tâm, một số dự án như: Nhà máy xử lý chất thải nguy hại, cổ phần hóa các công ty dịch vụ công ích trong việc thu gom, xử lý rác thải đô thị tại các huyện, thị xã, thành phố… Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các sở ngành và địa phương đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách và tham mưu xây dựng các tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư, điều kiện để thu hút, kêu gọi đầu tư.

Hàng năm, UBND tỉnh đã bố trí nguồn chi ngân sách tỉnh cho công tác BVMT đảm bảo không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh phục vụ công tác truyền thông phổ biến các các văn bản quy định của pháp luật, thực hiện các nhiệm vụ về quan trắc môi trường, hỗ trợ xử lý ô nhiễm, công tác quản lý chất thải … đã góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh.

Thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đã góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh cũng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, một số vấn đề cụ thể như sau:

+ Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong các khu nội thị, thành phố, khu dân cư còn chậm so với kế hoạch di dời (ngành nghề sản xuất nước mắm chưa có địa điểm tiếp nhận; Khu giết mổ gia súc gia cầm tập trung thành phố Nha Trang và một số địa phương chưa có địa điểm phù hợp quy chuẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT).

+ Công tác quản lý chất thải nhất là rác thải nông thôn hiện còn nhiều vướng mắc, nhiều bãi chôn lấp chất thải ở nông thôn hình thành tự phát, lộ thiên, không được xử lý, tồn đọng kéo dài gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm, chất lượng môi trường đất.

+ Tốc độ xây dựng tại các khu đô thị diễn ra nhanh, việc quản lý chất thải xây dựng chưa đáp ứng, gây mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân; Về nước thải sinh hoạt tại một số khu đô thị, khu dân cư tập trung ven biển vẫn còn tình trạng nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn quy chuẩn xả ra biển gây ô nhiễm vùng ven biển và ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch của thành phố gây phản cảm trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng.

+ Công tác kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm của các cấp, các ngành chức năng còn thiếu sự phối hợp, chưa cương quyết trong xử lý; việc giám sát thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm túc, vẫn còn hiện tượng nhắc nhở nhiều lần nhưng các cơ sở không xử lý hoặc không xử lý triệt để. Ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của một số doanh nghiệp còn yếu, một số cơ sở chưa vận hành hệ thống xử lý chất thải thường xuyên, còn mang tính đối phó. Một số nhà máy, cơ sở sản xuất vẫn còn sử dụng các công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên, năng lượng; không đầu tư công nghệ sản xuất sạch hơn và ít quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.

+ Công tác bảo tồn đa dạng sinh học còn khó khăn do nhiều nguyên nhân: chưa có cán bộ có chuyên môn sâu, chuyên trách về quản lý đa dạng sinh học, nguồn kinh phí cho các hoạt động điều tra, khảo sát, bảo tồn tương đối lớn nên kinh phí ngân sách chỉ đáp ứng được một phần. Tình trạng khai thác cạn kiệt, hủy diệt tài nguyên còn xảy ra đối với cả động vật và thực vật trên cạn và dưới nước, nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học của cơ quan quản lý các cấp và của cộng đồng dân cư còn hạn chế; Công tác quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng được giao quản lý rừng và đất lâm nghiệp chưa được đầu tư, trang bị theo nhu cầu thực tế. Chưa tạo được nhiều chính sách, chương trình khuyến khích, tạo động lực cho các thành phần kinh tế tích cực đầu tư phát triển đầu tư kinh doanh trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Chương trình MTQG nước sạch và VSMT nông thôn kể từ năm 2016 không còn được cấp kinh phí sự nghiệp do đó việc triển khai cập nhật và công bố Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá nước sạch và VSMT nông thôn hàng năm theo quy định tại Quyết định số 2750/QĐ-BNN-TCTL ngày 22/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa được thực hiện.

+ Về công tác truyền thông, tuyên truyền: các hình thức tuyên truyền về công tác BVMT còn chưa đa dạng. Sự tham gia của cộng đồng trong công tác BVMT còn mang tính hình thức, phong trào, chưa tạo thành thói quen, chuyển ý thức thành nhận thức và hành động, các mô hình cộng đồng quản lý môi trường chưa nhiều, chưa bền vững.

LIÊN KẾT ĐỐI TÁC

TIN MỚI
Back To Top

GÓP Ý

X