Tuy còn nhiều khó khăn nhưng Ban quản lý (BQL) vịnh Nha Trang đã có những giải pháp kịp thời nhằm nâng cao công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự trên vịnh Nha Trang.
Để nâng cao công tác cứu hộ, cứu nạn, BQL vịnh Nha Trang đã đề xuất UBND TP. Nha Trang đầu tư cơ sở vật chất; hợp tác tổ chức huấn luyện cứu hộ, cứu nạn… Năm 2014, BQL vịnh đã hợp tác với Tổ chức cứu hộ Australia triển khai 2 đợt huấn luyện. Qua huấn luyện, nhân viên cứu hộ nắm được kỹ năng sơ cấp cứu, cứu người đuối nước, rèn luyện nâng cao thể lực. 12 thành viên của Đội Tuần tra cứu hộ, cứu nạn đã được cấp chứng chỉ cấp độ 2 trong các đợt huấn luyện này. Ông Phan Thái Hoàng – Tổ trưởng Trạm cứu hộ số 2 chia sẻ: “Sau khi được huấn luyện, các kỹ năng của nhân viên được hoàn thiện, mức độ cứu hộ cao hơn, sơ cấp cứu tốt hơn. Các nhân viên cứu hộ cũng được cử đi học tiếng Anh, Nga để có thể cảnh báo, tuyên truyền về cứu hộ cho khách du lịch nước ngoài. Bên cạnh đó, được sự đồng ý của UBND thành phố, lực lượng trực cứu hộ trên bờ biển tiến hành thay đổi đồng phục theo mẫu quốc tế, góp phần tạo thuận lợi trong việc nhận diện và tuyên truyền đến du khách”.
Theo ông Huỳnh Bình Thái – Phó Trưởng BQL vịnh Nha Trang, sau khi có những đề xuất tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, lãnh đạo thành phố đã phê duyệt. Trong năm 2014, lực lượng cứu hộ của BQL vịnh được trang bị thêm 1 mô tô nước. Lãnh đạo thành phố cũng đã đồng ý phương án lập thêm 1 trạm cứu hộ đặt tại khu vực Hòn Chồng, trang bị thêm 1 mô tô nước để đảm bảo phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn tại khu vực bãi tắm phía Bắc thành phố. Dự kiến, trạm cứu hộ này sẽ được khởi công vào năm 2015. Về đầu tư giàn phao cảnh giới, BQL vịnh đang phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố kiểm tra, rà soát số lượng các phao hư hỏng để trang bị giàn phao mới.
Bên cạnh đó, sau khi được giao trực tiếp quản lý các điểm dịch vụ cho thuê phao trên bờ biển (từ tháng 11-2014), BQL vịnh chủ động có phương án kiểm tra sự an toàn của các phao cho thuê, đề nghị các chủ kinh doanh cùng phối hợp với lực lượng cứu hộ khi phát hiện trường hợp xảy ra tai nạn, tuân thủ các hướng dẫn về cứu hộ như: không cho thuê phao trong thời tiết xấu, biển động… Ông Thái nói: “Ngoài sự quan tâm của lãnh đạo thành phố cho công tác cứu hộ, cứu nạn bờ biển và sự vận động linh hoạt của BQL vịnh, chúng tôi rất mong các bậc phụ huynh trang bị kỹ năng bơi lội cho con em mình. Các đơn vị kinh doanh ghế dù trên bờ biển cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng cứu hộ, trang bị thêm phương tiện, dụng cụ cứu hộ, bố trí nhân viên đã được tập huấn các kỹ năng cứu hộ cứu nạn túc trực. Mặt khác, khách du lịch cần tuân thủ những hướng dẫn của lực lượng trực cứu hộ”.
GÓP Ý
X