Khuyến khích phát triển nuôi trồng hải sản, gắn với du lịch sinh thái biển

Khuyến khích phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, gắn với du lịch sinh thái biển, thân thiện với môi trường. Thay cho cách hiểu có phần định kiến trước kia: ‘Du lịch đi đến đâu, thuỷ sản lùi tới đó’, hoặc ngược lại.

Lời tòa soạn: Sáng 5/2, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có bài phát biểu với nhiều thông điệp quan trọng gợi mở phát triển nông nghiệp vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin giới thiệu tới bạn đọc. Tựa trong bài do tòa soạn đặt.

“Khí hậu đang biến đổi, sao chúng ta lại không?”

Sau mỗi cơn bão lũ, càng thương về miền Trung, càng khâm phục người miền Trung. “Nguồn vốn văn hoá”, “nguồn vốn xã hội” gắn với ý chí vượt khó, nghị lực vươn lên, không ngại nghịch cảnh của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, người dân ở “khúc ruột” miền Trung, chính là nguồn lực vô hình, không có giới hạn, mang tính quyết định trong việc thực hiện mục tiêu 2030: “Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Ảnh: VGP.

Trong giới hạn thời gian cho phép và còn nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, tôi chỉ xin trình bày xoay quanh bốn chữ “an cư lạc nghiệp”. An cư, để người dân trong vùng sinh sống bình yên, bình an trước thiên tai khắc nghiệt. Lạc nghiệp, để sinh kế gắn với kinh tế biển, với rừng, với nghề nông của người dân trong vùng ổn định, bền vững.

Một tựa sách mở ra nhiều suy nghĩ: “Khí hậu đang biến đổi, sao chúng ta lại không?”. Diễn biến bão lũ ngày càng cực đoan, khó lường, khó dự báo, một trận bão bất ngờ quét qua có thể cuốn trôi của cải tích cóp bao năm. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, cùng các đối tác quốc tế, các tổ chức hoạt động cộng đồng tích cực triển khai các giải pháp căn cơ giúp nâng cao năng lực cộng đồng, vượt qua và phục hồi sau những khó khăn. Các dự án cộng đồng như Nhà Thoát lũ, Làng An toàn, sổ tay minh hoạ, hướng dẫn phương án ứng phó thiên tai,… sẽ được đánh giá hiệu quả, dần chuẩn hoá theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Công tác phòng chống thiên tai thời gian tới sẽ thay đổi theo hướng quản lý, giảm thiểu rủi ro, chủ động thích ứng dựa vào năng lực cộng đồng, phát huy tri thức bản địa. Là chủ thể đóng vai trò quyết định, thông hiểu, am tường rõ nhất về các rủi ro thiên tai đang đối mặt, cộng đồng dân cư địa phương sẽ được khuyến khích tham gia vào lập kế hoạch và triển khai thực hiện cụ thể. Giá trị cốt lõi của cách thức tiếp cận dựa trên năng lực cộng đồng đến từ câu chuyện kiên cường về “sức bật” của người dân sau mỗi trận bão lũ. Sức bật kiên cường, không chỉ hồi phục trở lại, mà hồi phục để trở nên mạnh mẽ hơn, bền bỉ hơn.

Chúng ta có thể sâu sát từng “số phận” những ngư dân không?

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có vị trí đặc biệt quan trọng trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, tầm nhìn quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, trong thế kỷ của biển và đại dương. Để hiện thực hoá mục tiêu này, “con người là trung tâm trong mọi chiến lược phát triển” phải là quan điểm tiếp cận xuyên suốt. Ngư dân cần được đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình phát triển bền vững “Tam Ngư: Ngư nghiệp – Ngư dân – Ngư trường”. Dù là khai thác, nuôi trồng hay bảo tồn biển, thì ngư dân luôn là lực lượng tham gia đông đảo nhất.

Các địa phương Nam Trung bộ giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính một số sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của vùng. Ảnh: VGP.

Ngành thuỷ sản trong Vùng từng bước chuyển đổi theo hướng đánh bắt có kiểm soát, giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Dự thảo về Kế hoạch hành động 180 ngày hành động chống khai thác IUU đang được lấy ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, chúng tôi vừa tổ chức hội nghị triển khai đến các địa phương ven biển. Công tác truyền thông, phổ biến pháp luật  hướng đến nâng cao nhận thức, chấp hành một cách tự nguyện, tự giác, thay cho những hành vi tránh né, đối phó. Nếu biết cách trò chuyện, lắng nghe, chăm lo từng lợi ích thiết thực, kiên nhẫn bên cạnh bà con ngư dân từ những thay đổi nhỏ nhất, thì có thể hạn chế sử dụng các quy định xử phạt, chế tài nghiêm khắc.

Mỗi con tàu ra khơi đều được cấp “số hiệu” để giám sát hành trình, nhưng chúng ta có thể sâu sát từng “số phận” những ngư dân trên con tàu ấy không? Mỗi chuyến tàu cập bến có thể “cân đong” được lượng thuỷ sản trong khoang, nhưng chúng ta có thể “cân đo” được gia cảnh từng ngư dân không? Mỗi bến cảng có thể đầu tư “nâng cấp”, nhưng chúng ta có thể “nâng đỡ” cuộc đời những con người suốt đời gắn bó với bến cảng, với biển khơi không?

Bên cạnh tổ chức lại khai thác hải sản, cơ cấu lại nghề, cơ cấu lại lao động cần phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán và năng lực từng hộ gia đình. Việc thử nghiệm mô hình gây giống và nuôi trồng rong sụn thương phẩm, gắn với chế biến, đa dạng hoá sản phẩm tại một số địa phương đã ghi nhận kết quả khả quan ban đầu. Khuyến khích phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, gắn với du lịch sinh thái biển, thân thiện với môi trường. Thay cho cách hiểu có phần định kiến trước kia: “Du lịch đi đến đâu, thuỷ sản lùi tới đó”, hoặc ngược lại, giờ đây, du lịch và nuôi trồng thủy sản có thể hỗ trợ lẫn nhau, qua các hoạt động giáo dục ý thức về môi trường cho các du khách.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Ảnh: VĐT.

Các tàu dịch vụ nghề cá trên biển, các trạm dịch vụ hậu cần trên các đảo cần được nâng cao hiệu quả. Các trung tâm nghề cá tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Các cảng cá sẽ được vận hành theo hướng đa chức năng, kết hợp du lịch, kiến tạo không gian cộng đồng cung cấp kiến thức về bảo tồn biển, đại dương, tập huấn kỹ năng nghề cá, kỹ năng sinh tồn, phổ biến quy định pháp luật. Không gian cộng đồng gần gũi, chia sẻ lợi ích giữa các bên, gắn kết với các Tổ Cộng đồng đồng quản lý, để mỗi thành viên sống và làm nghề có trách nhiệm với biển.

Như tại Ghềnh Ráng, Quy Nhơn, Bình Định, Tổ đồng quản lý bảo vệ san hô dần đi vào ổn định và nề nếp, với đa dạng hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tạo sinh kế mới, được chính quyền các địa phương và người dân đồng thuận, ủng hộ. Từ đây có thể mời gọi sự đồng hành của doanh nghiệp xã hội để bảo đảm hài hòa lợi ích, vì các giá trị chung ở hôm nay và cả mai sau.

Tôi đã cảm nhận được khát vọng tìm kiếm những sáng kiến phát triển mới của lãnh đạo các địa phương và một số rào cản pháp lý làm cho những phát kiến đó chậm trở thành hiện thực. Chúng tôi đang cùng với các bộ, ngành và các địa phương, có trách nhiệm đi tìm lời đáp thoả đáng cho những trăn trở ấy. Các viện, trường của Bộ sẽ cung cấp những giải pháp công nghệ, đào tạo nghề phù hợp cho từng nhóm đối tượng, yêu cầu khác nhau.

Tư duy tích hợp sẽ tạo ra không gian phát triển tích hợp

Theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26, nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển “theo hướng sinh thái, đặc hữu, có khả năng chống chịu cao với thời tiết cực doan, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu”. Chúng ta cần quán triệt “tư duy kinh tế nông nghiệp”, cần nhìn nền kinh tế theo cách tiếp cận đa dụng, đa chức năng, đa giá trị.

Hồ Đồng Mít mà Thủ tướng dự khánh thành hôm qua, không chỉ có chức năng thuỷ lợi mà có thể tích hợp du lịch trải nghiệm, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển năng lượng mặt trời. Với cách nhìn như vậy, đất lâm nghiệp, khu bảo tồn, rừng ngập mặn ven biển, các lòng hồ đều có thể nuôi trồng dược liệu, thuỷ sản, du lịch, phát triển điện năng.

Tư duy tích hợp sẽ tạo ra không gian phát triển tích hợp, không gian tích hợp tạo ra giá trị tích hợp. Chúng tôi sẽ sớm tổ chức các hội nghị chuyên đề, vừa tìm kiếm những sáng kiến mới, vừa chủ động sửa đổi, điều chỉnh những quy định đang là rào cản cho các địa phương.

Qua chuyến công tác lần này, bản thân tôi lại ghi nhận thêm nhiều điều hay để chia sẻ đến bà con nông dân tại các vùng sinh thái khác. Là hình ảnh về sự đa dạng của các dòng sản phẩm chế biến sâu dành cho các nhu cầu tiêu dùng khác nhau, mà chúng ta vừa được giới thiệu trong không gian trưng bày sản vật địa phương, phía trước Hội trường.

Mô hình nuôi biển ở Vịnh Vân Phong. Ảnh: KS.

Đó chính là kết tinh tài nguyên và tri thức bản địa, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Là mô hình nuôi biển ở Vịnh Vân Phong trang bị xà lan phun thức ăn, với hệ thống cảm biến và camera quan sát cực nhạy để theo dõi hành vi và sức khỏe cá nuôi, phân tích dữ liệu thông minh, giúp tối ưu hiệu quả, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Và hơn hết, là câu chuyện giàu cảm xúc về những con người không khuất phục trước nghịch cảnh, thậm chí từ chính nghịch cảnh ấy mà nung nấu khát vọng cho bản thân, cho quê hương.

Với tinh thần rắn rỏi “từ trong gian khó càng ngời sáng hơn”, tin chắc rằng, lãnh đạo và người dân các địa phương Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ hoàn toàn có thể hiện thực hoá tầm nhìn 2045 – “phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển”.

LIÊN KẾT ĐỐI TÁC

TIN MỚI
Back To Top

GÓP Ý

X