Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022): Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh niên và lời căn dặn bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022):

Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh niên và lời căn dặn bồi dưỡng
thế hệ cách mạng cho đời sau 

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương, quan tâm đặc biệt đối với thanh niên. Người luôn đặt niềm tin vào những chủ nhân tương lai của đất nước, tin tưởng thanh niên sẽ trở thành lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của cha ông, xây dựng non sông, đất nước ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Vì vậy, trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Người đã căn dặn Đảng, Chính phủ phải quan tâm chăm lo đến thanh niên vì “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”. 

 

 Học sinh trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1956). Ảnh: TTXVN

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo, dành nhiều tâm huyết cho việc tổ chức, rèn luyện, giáo dục, bồi dưỡng, dẫn dắt thanh niên vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Khi mới bắt đầu truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước để từng bước chuẩn bị mọi mặt về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho việc thành lập chính Đảng cộng sản ở Việt Nam, Người đã chọn thanh niên là đối tượng đầu tiên để truyền bá lý luận, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, dẫn dắt thanh niên Việt Nam theo con đường cách mạng đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin. Ngày 11-11-1924, Nguyễn Ái Quốc từ Mátxvơva (Liên Xô) đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 6-1925, Người sáng lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tổ chức nhiều lớp huấn luyện chính trị đặc biệt tại Quảng Châu, đào tạo, bồi dưỡng những thành phần cách mạng cốt cán của thanh niên; đào tạo họ thành những chiến sĩ cách mạng trung thành làm nòng cốt cho việc thành lập Đảng cộng sản và đội ngũ cán bộ cốt cán của cách mạng nước ta. Sau các khóa học, một số được cử đi học ở trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, một số được cử đi học tại Trường quân sự Hoàng Phố, còn phần lớn trở về nước để “truyền bá lý luận giải phóng dân tộc, và tổ chức nhân dân”. Những thanh niên Việt Nam lần lượt đến Quảng Châu đã nhanh chóng trưởng thành trong học tập và thực tiễn đấu tranh, trở thành lực lượng nòng cốt của cách mạng Việt Nam. Họ chính là những trái ngọt đầu mùa của chủ trương “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Đảng ta ra đời bắt đầu từ tổ chức thanh niên cách mạng. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã chăm chút, công phu rèn luyện, bồi dưỡng thế hệ trẻ ngay từ đầu – những hạt giống đầu tiên của cách mạng. Người cho rằng: Từ những con chim non cộng sản này rồi sẽ nảy nở ra cả bầy chim cộng sản.

Với niềm tin sâu sắc vào lực lượng thanh niên, đặc biệt với tầm nhìn trí tuệ, chiến lược cách mạng thiên tài, Người luôn căn dặn Đảng và Chính phủ phải quan tâm chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Người đặt trọn niềm tin yêu đối với thế hệ tương lai của đất nước, luôn coi thanh niên là lực lượng hậu bị tin cậy của Đảng, nguồn nhân lực trẻ có trí tuệ, đạo đức để tiếp nối sự nghiệp của ông cha.

Theo Người, vận mệnh của quốc gia, dân tộc thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên. Do đó, nhất định thanh niên phải trở thành một lực lượng to lớn và vững chắc để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng, vẻ vang, gánh vác cơ đồ của cha ông để lại. Người nhấn mạnh: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị tương lai đó”.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (1-5-1952). Ảnh: hochiminh.vn- QDND.VN

Với tầm nhìn xa, trông rộng, cách đây 68 năm, thực hiện Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ đã chủ trương mở trường học miền Nam trên đất Bắc; lựa chọn một số con em cán bộ, chiến sĩ, gia đình cách mạng ở miền Nam đưa ra miền Bắc nuôi dạy để bảo vệ, gìn giữ, đào tạo, bồi dưỡng những “hạt giống đỏ” cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Chủ trương đó là tầm nhìn chiến lược của Người và Trung ương Đảng về chính trị, công tác cán bộ và đào tạo nhân tài chuẩn bị cho ngày thống nhất Bắc – Nam sum họp một nhà, xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh. Với tình yêu thương, chăm nom, đùm bọc, nuôi dưỡng, đào tạo của Bác, của Đảng, Chính phủ và Nhân dân, sau này, nhiều thế hệ học sinh miền Nam đã trưởng thành vượt bậc, có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Nhiều học sinh miền Nam đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp, giữ cương vị chủ chốt của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương, tỉnh, thành phố; trở thành các nhà khoa học đầu ngành, văn nghệ sĩ, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng, nhà doanh nghiệp tài năng… Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là tinh hoa quý báu của nền giáo dục nước nhà, là minh chứng sinh động thể hiện tầm nhìn chiến lược tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ ta về chủ trương chăm lo, chuẩn bị nguồn lực con người, về đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau, cũng là nguyên lý giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội.

Trong bản “Di chúc” – Tác phẩm cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù chỉ vỏn vẹn 1.000 chữ, bên cạnh những lời căn dặn đầu tiên về xây dựng Đảng cầm quyền, Người không quên căn dặn Đảng và Chính phủ ta phải quan tâm chăm lo cho thanh niên. Người nhấn mạnh “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

 

 Bác Hồ trò chuyện với các thanh niên yêu nước. Ảnh: Hochiminh.vn. QDND.VN

Lời căn dặn về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau cho thấy tư duy biện chứng đúng đắn của một lãnh tụ cách mạng, phản ánh tầm nhìn xa, trông rộng mẫn tiệp của một nhà hiền triết – Nhà văn hóa lớn, nhân cách lớn Hồ Chí Minh. Người không chỉ dành tâm huyết cho sự nghiệp cách mạng trước mắt, mà còn chăm lo vun trồng cái gốc của sự nghiệp đó về lâu dài, kiến thiết vững chắc cho tương lai. Bởi suy cho cùng, bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào muốn tồn tại và phát triển tất yếu phải quan tâm đến thế hệ trẻ, bồi dưỡng thế hệ cho đời sau để tiếp nối chặng đường của các bậc tiền nhân. Bởi không ai tránh khỏi quy luật của tự nhiên “Con người ta sinh ra ai cũng lớn lên, già đi rồi chết”. Từ đó bàn giao thế hệ, kế nhiệm là tất yếu xảy ra. Nhưng bàn giao không có nghĩa là trao lại giản đơn những gì đã có. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay là phải chuẩn bị thật kỹ những gì vững chắc nhất, tốt đẹp nhất cho lớp người mai sau. Vì vậy, vun trồng, nuôi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là công việc cần thiết, hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta. Người đặc biệt lưu ý: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. “Hồng” và “chuyên” tức là phải đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ hội tụ đủ cả hai yếu tố đạo đức và tài năng, trong đó lấy đạo đức làm gốc. Bởi như Người đã dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Trong nhiều lần nói với thế hệ trẻ, Người dạy rằng: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?” Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa”, Người khuyên thanh niên: “Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà. Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí. Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mặc dù bận trăm công nghìn việc xây dựng chính quyền còn non trẻ trong trứng nước, Người vẫn không quên gửi thư động viên học sinh. Trong “Thư gửi học sinh nhân Ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” (9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Bước vào thời đại cách mạng số, cách mạng 4.0 ngày nay, để Việt Nam có thể bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác hằng mong đợi, đòi hỏi mỗi người Việt Nam, nhất là những chủ nhân tương lai của nước nhà phải có trình độ văn hóa, khoa học – kỹ thuật, công nghệ cao, đủ năng lực “đi tắt, đón đầu”, hội nhập với thế giới. Vì vậy, hơn lúc nào hết, tuổi trẻ hôm nay cần phải ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trở thành người có đức, có tài, có tâm, có tầm, đủ năng lực xây dựng, kiến thiết đất nước phồn vinh, giàu mạnh. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm chăm lo, xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành những con người “vừa hồng”, “vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới./.

                                                                     Thu Hương – Hồng Thiện

LIÊN KẾT ĐỐI TÁC

TIN MỚI
Back To Top

GÓP Ý

X