Nước biển ở Thái Lan tăng lên 34 độ C, gây ra hiện tượng san hô bị tẩy trắng trên diện rộng, khiến nhiều khu du lịch phải đóng cửa.
Hệ sinh thái biển ở bờ biển phía đông vịnh Thái Lan đang bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiệt độ nước biển đạt mức cao kỷ lục. Tháng qua, các đợt nắng nóng liên tiếp xảy ra trong khu vực Đông Nam Á. Dữ liệu cho thấy nhiệt độ bề mặt nước biển ở phía đông vịnh Thái Lan đạt 32,7 độ C vào đầu tháng này trong khi nhiệt độ dưới nước còn nóng hơn, ở mức 33 độ C.
Các nhà khoa học cho biết, một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nhất là các loài san hô đầy màu sắc, sống cách mặt nước chỉ 5 mét. Trong một báo cáo gần đây, chúng đã chuyển dần sang màu trắng, được gọi là hiện tượng tẩy trắng san hô. Đây cũng là dấu hiệu phản ánh sức khỏe của rạn san hô xấu đi do nhiệt độ nước biển nóng lên.
Nhà sinh vật biển Lalita Putchim thuộc Bộ Tài nguyên Biển và Duyên hải Thái Lan cho biết: “Tôi không thể tìm thấy một san hô khỏe mạnh nào. Hầu hết các loài đều bị tẩy trắng, rất ít loài không bị ảnh hưởng. Đây là sự sôi lên toàn cầu chứ không chỉ là nóng lên toàn cầu nữa”, vị này nói.
Quần đảo Trat là nơi có hơn 66 hòn đảo với hơn 28,4 km2 diện tích là các rạn san hô nhưng hiện nay đã có tới 30% bị tẩy trắng và 5% san hô chết. Nếu nước không hạ nhiệt, san hô sẽ chết nhiều hơn. Các nhà khoa học cho biết, các rạn san hô vừa là nguồn thức ăn vừa là môi trường sống cho sinh vật biển, đồng thời là rào cản tự nhiên ngăn chặn xói mòn bờ biển.
Ngoài việc tác động đến sản lượng thủy hải sản, hiện tượng này cũng ảnh hưởng tới cảnh quan du lịch. Một trong những yếu tố thu hút khách đến Thái Lan là trải nghiệm lặn biển khám phá, ngắm san hô.
Hơn 10 địa điểm lặn ở các công viên biển quốc gia Thái Lan đã đóng cửa do tình trạng tẩy trắng san hô trên diện rộng. Ông Nattapol Rattanaphan, Giám đốc Cục Hàng hải, cho biết đây là thời điểm tồi tệ nhất trong hơn 6 năm qua khi diện tích san hộ bị tẩy trắng lan rộng từ 40% đến 80% dọc theo bờ biển phía đông vịnh Thái Lan và bờ biển phía tây (biển Andaman).
Koh Ma Prao và Koh Chumpon là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với tới 80% san hô chuyển sang màu trắng, Rattanaphan nói với CNN. Hiện tượng tẩy trắng xảy ra khi tảo sống bên trong san hô và tạo ra màu sắc cho chúng bị loại bỏ, do nhiệt độ nước biển tăng hoặc các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Rattanaphan cho biết: “Nhiệt độ nước biển cao bất thường, có thời điểm lên tới 34 độ C. Việc này xảy ra vào khoảng đầu tháng 4 đến đầu tháng 5 năm nay và kéo dài trong vài tuần. Các rạn san hô sẽ bắt đầu bị tẩy trắng nếu nhiệt độ nước vượt quá 30,5 độ C và liên tục trong hai đến ba tuần”.
Mới đây, hòn đảo Koh Tachai nổi tiếng với những bãi biển cát trắng và các hoạt động lặn thú vị ở biển Andaman phải ngừng hoạt động du lịch do gây tổn hại đến hệ sinh thái.
Đầu tháng Năm, dù đang mùa du lịch, chính quyền đảo Pling ở miền nam Thái Lan đã phải đóng cửa để có thêm thời gian phục hồi môi trường thiên nhiên sau khi phát hiện tình trạng tẩy trắng san hô trên diện rộng. Hiện tượng tẩy trắng san hô xuất hiện ở nhiều nơi khắp Thái Lan sau khi quốc gia Đông Nam Á này hứng chịu đợt nắng nóng khắc nghiệt trong tháng qua. Ngoài đảo Pling, Công viên quốc gia Sirinart ở Phuket cũng sẽ ngừng đón khách tham quan các rạn san hô xung quanh công viên.
Tổng giám đốc Cục Công viên Quốc gia, động vật hoang dã và bảo tồn thực vật Thái Lan nói với CNN số lượng khách du lịch quá tải có thể gây ra các vấn đề như rác thải và lãng phí thực phẩm, xăng từ các tàu du lịch thấm vào vùng biển, gây ra ảnh hưởng xấu đến môi trường biển.