Quần thể rạn san hô ở Công viên Biển Mafia,Tanzania. (Ảnh: Đình Lượng/TTXVN)
Các nhà lãnh đạo trên thế giới ngày 20/9 gia tăng cam kết hỗ trợ tài chính và bảo tồn để chống lại cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu khiến hơn 1 triệu loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Bên lề khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), Đức cam kết đóng góp 1,5 tỷ euro/năm vào quỹ đa dạng sinh học quốc tế, nhiều hơn gấp đôi cam kết hiện nay của nước này.
Cam kết được đưa ra trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) sẽ diễn ra tại Montreal (Canada) vào tháng 12 tới.
Trong phát biểu thông báo cam kết đóng góp mới, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh hội nghị này “phải là bước ngoặt cho nỗ lực bảo tồn của chúng ta. Với khoản đóng góp này, chúng tôi muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ về kết quả tham vọng của COP15 về đa dạng sinh học.”
Trong khi Đức cam kết khoản đóng góp lớn nhất trong số các nước công nghiệp, các nước khác thông báo các chiến lược mới, trong đó có một kế hoạch tài trợ cho đa dạng sinh học được Ecuador, Gabon, Anh và một số nước khác ủng hộ.
Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso cho biết kế hoạch này kêu gọi đóng góp từ các chính phủ, các thế chế tài chính, lĩnh vực tư, các nhà hảo tâm… để huy động các nguồn lực cho đa dạng sinh học.
Trong khi đó Thủ tướng Canada Justin Trudeau tái khẳng định cam kết bảo vệ và bảo tồn ít nhất 30% lãnh thổ và lãnh hải của nước này trước năm 2030.
Các nhà kinh tế cho rằng để đảo ngược sự suy giảm đa dạng sinh học vào năm 2030, thế giới cần chi 967 tỷ USD hằng năm.
Theo báo cáo năm 2021 của Diễn đàn kinh tế thế giới, hiện tại khoảng 17% lãnh thổ thế giới được bảo vệ, Tuy nhiên chỉ 7% đại dương toàn cầu được bảo tồn một phần và chưa đến 3% được bảo vệ ở mức cao./.
(TTXVN/Vietnam+)
GÓP Ý
X